Bài viết

Nợ đồng lần, đại gia hại nhau

Nợ đồng lần, đại gia hại nhau

 

Thời buổi khó khăn chồng chất, vỡ nợ hàng loạt đã khiến không ít các doanh nghiệp trở nên bất tín với nhau, với khách hàng, với cổ đông. Hiện tượng nợ nần lẫn nhau và kéo dài trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.
 

Hoành tráng nhưng thiếu tiền

Hơn nửa năm chờ đợi, cổ đông của Công ty Cổ phần Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (KSA) nhận được tin cổ tức bị cắt giảm chỉ còn 400 đồng thay vì 1.000 đồng/cp như đã công bố trước đó.

Thất vọng nằm ở chỗ cổ đông đã 4 lần mừng hụt vì công ty liên tục đưa ra những lời hứa chắc chắn nhưng cho tới thời điểm này, ngay cả 400 đồng cũng chưa đến được tay cổ đông mà được lùi đến cuối tháng 8/2013.

Việc hoãn chậm, thậm chí cắt giảm, cắt bỏ cổ tức năm 2012 rất phổ biến trên TTCK như trường hợp AAA, SMA, MSN, V15, LAF, MHL... Tuy nhiên, việc thất hứa liên tục như KSA thì hiếm gặp.

Lý giải sự thất hứa, KSA cho biết do một số khoản nợ khách hàng đã chưa trả cho công ty đúng như cam kết nên doanh nghiệp chưa thu xếp được nguồn tiền để thanh toán cổ tức. Lý do đưa ra sau đó là do công ty phải ứng vốn cho thi công.

Trên thực tế, KSA kinh doanh có lãi trong các quý và cả năm 2012 nhưng dòng tiền thường xuyên ở trong tình trạng âm vài tỷ cho tới vài chục tỷ mà lý do chủ yếu là do doanh nghiệp không thu hồi được công nợ đúng hạn. Tổng số tiền KSA dự kiến trả cổ tức 1.000 đồng/cổ phiếu chỉ hết khoảng trên 15 tỷ đồng, không hề lớn so với khoản phải thu lên tới trên 50 tỷ đồng của công ty. Không lớn nhưng không trả được cho thấy dòng tiền của doanh nghiệp này có vấn đề.

Hiện tượng nợ nần chồng chất, dây dưa trong cộng đồng doanh nghiệp rất phổ biến, từ các tập đoàn cho tới các doanh nghiệp lớn nhỏ niêm yết trên sàn.

Trở lại trường hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong vài năm qua không chỉ tạo ra khoản lỗ vài chục ngàn tỷ mà còn để lại nhiều khoản nợ lớn dẫn tới khó khăn tài chính cho đối tác đầu vào nguồn điện.

Gần đây, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoán sản Việt Nam (TKV) cho biết, tập đoàn đang phải chịu thiệt hại gần chục nghìn tỷ đồng do phải bán than dưới giá thành cho sản xuất điện và bị EVN nợ cũng cả ngàn tỷ. Theo TKV, do EVN nên tập đoàn đang đứng trước nguy cơ thua lỗ trầm trọng.

Một nạn nhân khác của EVN là Tập đoàn Sông Đà với khoản tiền chưa thanh toán lên tới một nửa tổng số công nợ phải thu, trị giá hàng ngàn tỷ đồng. Còn PVN là chủ nợ thường xuyên và lâu đời của EVN với số tiền lên hàng chục ngàn tỷ đồng.

Nợ đồng lần hại nhau

Hiện tượng nợ đồng lần phổ biến hơn nhiều. Một số ngân hàng cho biết thời gian gần đây tình hình có đỡ hơn nhưng khoảng một năm trước đây họ phải đi vay các ngân hàng này, nhưng ngân hàng khác lại nợ họ.

Trên thực tế, việc vay lẫn nhau giữa các ngân hàng là hoạt động bình thường trên thị trường liên ngân hàng, nó xảy ra hàng giờ, hàng ngày. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, hiện tượng vay rồi không có trả, ngân hàng bé vay của lớn, lớn vay của bé hay vay của lớn hơn xảy ra quá nhiều, phức tạp và quan trọng là không thanh toán đúng hạn, nợ dây dưa, khó đòi, gây ra sự mất niềm tin trong hệ thống.

Thời điểm đỉnh cao của hoạt động nợ nần chồng chéo dây dưa giữa các ngân hàng là cuối 2011 và đầu 2012. Và có trường hợp tới cuối 2012 mới hoàn trả được toàn bộ khoản vay cả chục nghìn tỷ đồng tiền nợ gốc và hàng nghìn tỷ đồng tiền lãi.

Kinh doanh trong năm vừa qua cho thấy hiện tượng nợ đồng nần, nợ lẫn nhau, dây dưa, khó đòi rất phổ biến. Ở mảng ngân hàng đã tồi tệ thì ở mảng BĐS càng rối ren hơn. Hiện tượng chủ đầu tư nợ doanh nghiệp xây dựng, nợ khách hàng; doanh nghiệp xây dựng nợ đơn vị bán vật liệu xây dựng, nợ lương

Nhiều doanh nghiệp cả năm trời không làm ăn gì, công việc chủ yếu là đi đòi nợ để trả nợ ngân hàng. Một số thậm chí còn phải bán tài sản riêng như nhà cửa, ô tô để trả nợ trong khi vẫn đang là chủ nợ của nhiều đối tác, khách hàng khác.

Nhiều khi các doanh nhân này cũng tính "làm mạnh tay" nhưng thực tế các con nợ của họ cũng ở trong tình trạng không còn gì, kể cả uy tín, làm mạnh có khi lại phạm pháp. Song hành với sự rối ren đó, với cách hành sử không đàng hoàng của nhiều doanh nghiệp, niềm tin vào họ dường như ngày càng đi xuống.

Sự đóng băng của thị trường BĐS, sự trầm lắng của TTCK và thái độ hững hờ với nguồn vốn ngân hàng phần nào cho thấy niềm tin trên thị trường đang suy giảm nghiêm trọng.

Hàng loạt các doanh nghiệp gần đây đặt ra cho mình mục tiêu thấp hơn để thoát bẫy tăng trưởng nóng, với định hướng là củng cố, an toàn và ổn định. Nhiều đơn vị đã lên kế hoạch tái cơ cấu.

Tuy nhiên, việc tái cơ cấu cần cần một thời gian dài bởi nhiều doanh nghiệp đã sa lầy quá sâu và quá lâu vào bùn đen. Với các doanh nghiệp như vậy, đôi khi phải đối mặt với khả năng phá sản. Còn với các doanh nghiệp vẫn có cơ hồi phục, ngoài định hướng tái cơ cấu theo hướng phát triển bền vững, vấn đề quan trọng còn là xây dựng lại niềm tin đối với ngân hàng, khách hàng, đối tác và cả các cổ đông.

Theo Mạnh Hà

VEF

Chia sẻ:

Bài viêt cùng danh mục:

Viết Bình luận