Bài viết

Những kiệt tác nghệ thuật của Hy Lạp

Những kiệt tác nghệ thuật của Hy Lạp

Hãy cùng chiêm ngưỡng những kiệt tác nghệ thuật của Hy Lạp.

Những công trình kiến trúc quan trọng nhất và xuất hiện nhiều nhất ở Hy Lạp cổ đại là những đền đài. Những ngôi đền đá đầu tiên đã xuất hiện từ đầu thế kỷ 6 trước Công nguyên (TCN). Những ngôi đền được coi là tượng đài uy nghi thể hiện sự sùng kính đối với các vị thần. Đặc trưng dễ nhận thấy nhất của kiến trúc đền đài Hy Lạp là những hàng cột khổng lồ. Hãy cùng điểm qua những công trình đền đài nổi tiếng của Hy Lạp cổ đại:


Đền thờ thần Dớt: Hiện giờ, ngôi đền chỉ còn lại những hàng cột đặc trưng của kiến trúc đền đài Hy Lạp cổ đại. Ngôi đền nằm ở thành phố Athens, thờ thần Dớt ngự trị trên đỉnh Olympia. Đây từng là một ngôi đền khổng lồ, được xây dựng từ thế kỷ 6 TCN với tham vọng trở thành ngôi đền lớn nhất trong thế giới cổ đại. Việc hoàn tất ngôi đền đã mất tới gần 640 năm.


Đền thờ thần Poseidon: Nằm ở điểm cực nam của bán đảo Attica, Hy Lạp, đền thờ thần Poseidon - một trong 12 vị thần ngự trên đỉnh Olympia, vị thần chuyên cai trị biển cả. Đền Poseidon có ba mặt giáp biển, xây vào khoảng năm 440 TCN. Đến nay, công trình cũng chỉ còn những dãy cột là vẫn đứng vững trước thử thách của thời gian.


Đền thờ thần Dớt ở Cyrene, Libya: Cyrene từng là một trong những thuộc địa quan trọng nhất của Hy Lạp cổ đại, ngày nay, Cyrene thuộc lãnh thổ Libya (một quốc gia Bắc Phi). Nằm ở địa thế cao nhất trong thành phố, đền thờ thần Dớt có niên đại từ thế kỷ 5 TCN. Đền từng bị hủy hoại rồi lại được phục dựng vì chiến tranh và thiên tai xảy ra suốt chiều dài lịch sử.


Đền Erechtheum: Đền Erechtheum nằm ở Athens, được xây dựng trong khoảng năm 421-407 TCN. Tên của ngôi đền được lấy từ tên của người anh hùng huyền thoại Hy Lạp - Erichthonius. Ngôi đền nổi tiếng nhất bởi vòm mái được bê đỡ bởi những cột trụ tạo tác theo hình dáng những người phụ nữ.


Đền Apollo Epicurius: Nằm trên một triền đồi xa xôi, hẻo lánh ở Bassae, được xây dựng vào khoảng năm 450-400 TCN, đền thờ thần ánh sáng Apollo, sử dụng cả 3 dãy cột đặc trưng của kiến trúc đền đài Hy Lạp: cột Doric bao quanh đền, cột Ionic đỡ vòm mái, cột Corinthian nằm bên trong nội thất.


Đền cột Doric: Đền cột Doric nay thuộc đảo Sicily, Ý. Trước đây, thành phố Segesta ở đảo Sicily từng là một lãnh thổ chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn minh Hy Lạp. Công trình đền cột Doric là một ví dụ điển hình, được xây dựng từ thế kỷ 5 TCN với lối kiến trúc gồm những dãy cột chạy bao quanh công trình.


Khu đền ở Paestum: Paestum từng là một thành phố thuộc Hy Lạp cổ đại, hiện giờ Paestum nằm ở miền nam nước Ý. Nơi đây có 3 ngôi đền mang đậm nét kiến trúc Hy Lạp xưa. Ngôi đền cổ nhất thờ nữ thần Hera, xây dựng vào khoảng năm 550 TCN, ngoài ra, còn hai ngôi đền nữa cũng thờ nữ thần của hôn nhân và sinh nở - Hera và nữ thần chiến tranh Athena.


Ngôi đền thứ hai thờ nữ thần Hera ở Paestum.


Ngôi đền thờ nữ thần Athena ở Paestum.


Đền thờ thần Hephaestus: Đền Hephaestus là ngôi đền cổ được bảo tồn tốt nhất của kiến trúc Hy Lạp cổ đại. Đền được xây vào thế kỷ 5 TCN tại một khu vực có rất nhiều xưởng làm đồ kim khí. Thần Hephaestus cũng chính là vị thần của kỹ nghệ và nghề rèn.


Thung lũng của những ngôi đền: Nằm trên đảo Sicily của Ý, thung lũng của những ngôi đền bao gồm 7 ngôi đền được xây dựng từ thời Hy Lạp cổ đại, trong đó, đền Concordia có từ thế kỷ 5 TCN, được bảo tồn tốt nhất. Những dãy cột Doric chạy quanh đền có độ cao 7m, đường kính chân cột 1,3m. Những ngôi đền còn lại thờ nữ thần Juno, anh hùng Heracles…


Đền Parthenon: Đền Parthenon nằm trên đỉnh thành lũy Acropolis, là địa điểm tham quan nổi tiếng nhất ở Athens. Việc xây dựng đền Parthenon diễn ra từ năm 447-432 TCN, đền thờ nữ thần chiến tranh Athena. Trước đây, trong đền có tượng nữ thần được tạc từ ngà voi với những chi tiết bằng vàng, bạc nhưng bức tượng đã bị đánh cắp hồi thế kỷ 5 rồi sau đó bị hủy hoại.

Những tác phẩm điêu khắc là một dấu ấn đậm nét khác của nghệ thuật Hy Lạp cổ đại - một nền nghệ thuật từng phát triển huy hoàng thuộc vào hàng bậc nhất trong lịch sử văn minh nhân loại.


Bức “Chiến binh quỵ ngã” trong đền Aphaia, đảo Aegina (thực hiện khoảng năm 480-470 TCN): Sự bi ai, thống thiết trong tác phẩm điêu khắc bi hùng này khắc họa một anh hùng đối diện với cái chết đã cận kề, một người đàn ông mạnh mẽ ngã xuống và trút hơi thở cuối cùng. Bi kịch vốn luôn là một chủ đề được khai thác trong nghệ thuật Hy Lạp.


Bệ thờ Pergamon (180-160 TCN): Nghệ thuật Hy Lạp cổ đại biến đổi rất nhanh theo những biến động mà Hy Lạp trải qua trong suốt chiều dài lịch sử. Càng về sau, những tác phẩm điêu khắc của Hy Lạp càng chứa đựng nhiều xúc cảm nghệ thuật. Tác phẩm điêu khắc trên đây khắc họa nữ thần Athena đang chống lại người khổng lồ Alcyoneus có cánh.


Các nữ thần ở vòm mái phía đông đền Parthenon (438-432 TCN): Được khắc họa trong những dáng dấp duyên dáng, ba nữ thần được tạc bằng đá hoa cương ở trên vòm mái đền Parthenon nằm trong số những nhân vật đẹp đẽ và bí ẩn nhất từng được tạo tác từ điêu khắc. Nghệ thuật tỏa ra từ mỗi nếp vải phủ lên dáng vóc nhân vật.


Cuộc chiến giữa Centaurs và Lapiths (447-438 TCN): Tác phẩm điêu khắc bằng đá hoa cương ở đền Parthenon khắc họa một cảnh chiến đấu - chủ đề rất được quan tâm trong nghệ thuật Hy Lạp cổ đại - cuộc chiến giữa một con người và một nhân mã.


Chiếc bình Mỹ nhân ngư (480-470 TCN): Bình gốm là một nét đặc sắc của nghệ thuật Hy Lạp cổ đại. Trong sử thi Odyssey của văn học Hy Lạp, chàng Odysseus rất muốn được nghe tiếng hát mê hoặc nhưng chết người của các mỹ nhân ngư, vốn luôn khiến các thủy thủ chết chìm ngoài biển. Vì vậy, thuyền viên của Odysseus đều nút kín tai, chỉ riêng Odysseus buộc mình vào cột buồm để chàng có thể an toàn nghe tiếng hát. Chuyện này đã được khắc họa lại trên chiếc bình gốm. Thân hình chàng Odysseus như đang rướn căng muốn bứt khỏi những sợi dây thừng, đầu chàng ngẩng cao như đang say mê, khao khát được nghe thêm tiếng hát.


Vận động viên đánh xe ngựa Motya (350 TCN): Tác phẩm hé lộ phần nào khía cạnh nhục cảm được thể hiện trong những tác phẩm điêu khắc của Hy Lạp xưa. Người đàn ông này không khỏa thân nhưng bộ trang phục bó sát đã nhấn mạnh những đường nét cơ thể. Những tác phẩm điêu khắc của Hy Lạp luôn đề cao vẻ đẹp cơ thể người một cách vừa gợi cảm vừa cao quý.


Chiếc chén Dionysus (540 TCN): Dionysus là vị thần rượu, chiếc chén uống rượu này khắc họa thần đang bơi thuyền, vây quanh là những chú cá heo.


Mặt nạ của vua Agamemnon (1550-1500 TCN): Chiếc mặt nạ bằng vàng ròng này từng được tìm thấy ở Mycenae, Hy Lạp, hồi năm 1876. Đây chính là chiếc mặt nạ của vua Agamemnon - một trong những nhân vật từng tham gia cuộc chiến thành Troa.

Bích Ngọc
Tổng hợp

Chia sẻ:

Bài viêt cùng danh mục:

Viết Bình luận