11 kiểu sinh viên ra trường chắc chắn thất nghiệp
11 kiểu sinh viên ra trường chắc chắn thất nghiệp
Bạn thuộc kiểu ảo tưởng sức mạnh, thích chém gió, sức ỳ nặng hơn xe lu hay kiểu con cưng quen được chăm sóc từ chân đến răng?
1. Kiểu ảo tưởng sức mạnh
Chẳng có mấy kinh nghiệm, chẳng biết làm việc gì, nhưng luôn có một niềm tin mãnh liệt rằng "lương dưới 10 củ em không làm". Dù có thủ khoa Ngoại Thương hay từ Anh, Mỹ trở về thì kiểu này cũng chẳng bao giờ qua được vòng phỏng vấn.
Doanh nghiệp không trả tiền cho bằng cấp hay kiến thức của bạn mà trả tiền cho những gì bạn có thể đóng góp được. Gặp kiểu này thì nhà tuyển dụng thường: "Thôi xin chúc mừng em và anh tin rằng em sẽ sớm thành công với lý tưởng của mình".
2. Kiểu sang chảnh
Kiểu này là những bạn luôn tin tưởng rằng mình tốt nghiệp đại học nên mình phải làm những công việc "xứng tầm". Luôn tự động viên bản thân là "mình mất 4-5 năm đèn sách, giờ lại phải làm cái việc tay chân cỏn con như mấy đứa thất học sao?". không bao giờ chấp nhận làm từ việc nhỏ, luôn coi những việc hàng ngày là việc lặt vặt tầm thường.
Xin thưa với các tiểu thư công tử là khi việc nhỏ làm còn không xong thì không ai giao cho các bạn việc lớn đâu.
3. Kiểu lười biếng
Tuổi đời thì trẻ, kinh nghiệm thì không có, nhưng luôn muốn tìm những công việc nhẹ nhàng ổn định. Phải ở lại làm thêm hoặc cuối tuần phải đi làm là tỏ ra khó chịu và cho rằng "bị bóc lột".
Thông minh tài năng mà lười thì đã đành, nhiều bạn vừa không có gì xuất sắc vừa chẳng chăm chỉ. Làm việc được 1-2 hôm đã kêu và sau đó thường cũng sớm được doanh nghiệp nói lời tạm biệt.
4. Kiểu thiếu thực tế
Nhóm này luôn có một niềm tin mãnh liệt về một thứ gọi là "công việc ổn định", đáng tiếc là trong thời đại mọi thứ thay đổi chóng mặt thế này thì chẳng còn có công việc nào gọi là "ổn định" hết, ngay cả vào nhà nước bây giờ cũng không ổn định.
Và cùng với niềm tin đấy, nhiều bạn đã tốt nghiệp 3-4 năm rồi mà vẫn ở nhà ăn bám bố mẹ và ngày ngày đi tìm kiếm những "cơ hội tốt".
5. Kiểu chém gió
Nói rất nhiều, nói rất hay, phân tích lập luận đều vào hàng siêu đẳng, kinh tế vĩ mô hay vi mô, Việt Nam hay Thế giới đều có đàm luận ở mức cao thâm.
Nhưng đến khi bắt tay vào làm thì chẳng được việc gì.
Nhóm này thường gây ấn tượng ban đầu với nhà tuyển dụng nhưng trời chỉ cho mỗi người một sở trường, đứa giỏi ba hoa thường không còn sở trường nào khác.
6. Kiểu đứng núi này trông núi nọ
Làm cho công ty này nhưng tâm hồn lại ở các công ty khác. Chưa đóng góp được gì cho công ty mà chỉ luôn bận tâm tìm xem công việc nào trả lương cao hơn, có cơ hội thăng tiến tốt hơn và nhanh chóng chuyển việc.
Các bạn này chẳng bao giờ học và làm được điều gì đến nơi đến chốn vì chưa bao giờ dành đủ tâm huyết cho công việc. Thực tế là chẳng có mấy doanh nghiệp muốn nhận những người mau mau chóng chóng học hết mọi thứ rồi ra.
7. Kiểu bảo thủ
Đã kém nhưng không biết tiếp thu mà luôn tỏ ra rất nguy hiểm với 1001 kiểu lập luận phản biện. Kiểu này đôi khi tự cho rằng mình "giỏi tư duy phản biện - critical thinking".
Gặp kiểu này thì những nhà tuyển dụng có kinh nghiệm chẳng bao giờ thèm tranh luận vì biết là có nói thế nào ứng viên vẫn nghĩ rằng mình đúng. Cứ gật đầu cho ứng viên nói thoải mái để kết thúc cuộc nói chuyện, phỏng vấn cho sớm rồi đi làm việc khác, đỡ mất thời gian.
8. Kiểu thụ động
Cứ phải cầm tay chỉ việc, từ cái việc bé li ti như con kiến, giao việc xong còn phải thúc vào mông thì mới chịu làm, không ai nói gì thì ngồi Facebook cả ngày. Sức ì lớn như xe lu, khen chê thưởng phạt các kiểu cũng không suy chuyển.
Kiểu này mà cho ra chiến trường để cản xe tăng thì tốt phải biết, còn trong công ty thì chẳng xếp vào vị trí gì được.
9. Kiểu không có chí tiến thủ
Không ham học hỏi, ngại tiếp xúc với cái mới, luôn sợ bị người khác chê cười, lòng tự trọng to như con voi mà tinh thần cố gắng to như con kiến. Dễ chấp nhận, nhanh thoả mãn. Không thích bị người khác nhắc nhở nhưng lại chẳng chịu học hỏi vươn lên. Sách mua về để tủ cả đống nhưng mốc meo cả năm đọc chẳng nổi một quyển.
Các bạn này thường vào công ty sau một thời gian không bị đuổi cũng tự xin nghỉ vì thấy tất cả bạn bè giờ đã lên sếp hết, mỗi mình mình còn lẹt đẹt với sự uất hận vì bị "đánh giá không công bằng", "không được ghi nhận...".
10. Kiểu thích bao biện
Em không làm được cái này là vì...
Em không làm được cái kia là do...
Em đã làm nhưng mà...
Nhóm này có một số từ ngữ ưa thích là "Nhưng mà", "Bởi vì", "Thật ra là"....
Dùng từ gì thì cũng thế cả thôi, tất cả chỉ là để một cách để bao biện cho sự yếu kém về năng lực hoặc hèn nhát về tinh thần.
Doanh nghiệp không tuyển bạn vào công ty để giải thích "tại sao không làm được", những cái đó họ thừa hiểu, doanh nghiệp cần tuyển bạn để xử lý vấn đề đó.
Bên cạnh đấy, luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh thì bản bạn sẽ chẳng bao giờ tiến bộ được.
11. Kiểu con cưng
Sinh ra đã được chiều chuộng bao bọc, chăm sóc từ chân đến răng, ở nhà là "con cưng", ra đường cũng là "con cưng", có việc gì xảy ra là y như rằng bố mẹ xuất hiện để che chở, đi đâu cũng có "ba là tấm vé xe cho con bay thật xa" và "mẹ là xập đô la cho con cài lên ngực".
Không chịu được khó, không chịu được khổ, chẳng thể tự lập được mà lúc nào cũng phải dựa vào cha mẹ hoặc không thể làm trái ý cha mẹ.
Kết luận: Khi tuổi đời còn trẻ thì kiến thức là thứ có thể học được, kỹ năng là thứ có thể luyện tập được. Nhưng tính cách và tinh thần là cái cần rất nhiều thời gian để vun đắp, nếu bạn thấy hình ảnh của mình ở đâu đó trên kia, hãy lên kế hoạch rèn luyện bản thân ngay hôm nay.
Quách Đức Anh
Bài viêt cùng danh mục:
- 0 Bình luận