Những hồ nước kỳ lạ nhất thế giới
Những hồ nước kỳ lạ nhất thế giới
(Dân trí)- Nước hồ chảy ra nhựa đường, hồ có sóng, nước hồ luôn ở nhiệt độ sôi... Vượt ra ngoài khái niệm hồ nước đơn thuần, có những nơi đã trở thành kiệt tác của thiên nhiên với những điều lạ lùng và kỳ thú.
Hồ Sứa – Cộng Hòa Paula.
Sứa vàng sinh sản và phát triển rất nhanh thường di chuyển thành bầy hàng triệu con.
Hồ nước kỳ lạ chứa đầy sứa này nằm ở nước cộng hòa Paula, một đảo quốc phía Nam Thái Bình Dương. Do hồ này độc lập với đại dương và có rất ít các động vật ăn thịt nên loài sứa vàng ở đây phát triển và sinh sản với tốc độ đáng kinh ngạc. Loài sứa này hàng ngày di chuyển hàng triệu con từ bên này sang bên kia hồ tạo thành một bầy sứa khổng lồ. Loài sứa này hoàn toàn vô hại với con người nên rất nhiều du khách thích thú khi lặn dưới hồ kỳ lạ này.
Du khách lặn cùng với đàn sứa vàng vô hại
Hồ Resia- Ý
Hồ Resia nằm ở South Tyrol, một tỉnh ở miền bắc nước Ý, và là một hồ nước nhân tạo được tạo ra khi một con sông gần đó xây đập trong những năm 1950. Một số ngôi làng đã bị nhấn chìm trong lòng hồ tuy nhiên ngoại trừ một ngọn tháp nhà thờ do có độ cao vượt lên trên mặt nước.
Hình ảnh ngôi làng trước khi bị nhấn chìm nổi bật với ngọn tháp của nhà thờ
Vào mùa đông khi hồ bị đóng băng, người ta thậm chí có thể đi bộ ra chỗ ngọn tháp. Theo truyền thuyết, đôi lúc bạn vẫn có thể nghe thấy tiếng chuông nhà thờ rung lên 1 hồi mặc dù nó đã được gỡ bỏ từ lâu.
Hồ Resia bị đóng băng khi mùa đông đến
Hồ Superior- Châu Mỹ
Khi nói đến lướt sóng ta thường nghĩ hoạt động này chỉ có ở ngoài những bãi biển, tuy nhiên vào một thời điểm thích hợp những con sóng ở hồ Superior vẫn đủ cao để lướt được.
Vào thời điểm thích hợp, mọi người vẫn có thể chơi trò lướt sóng ở hồ Superior.
Tuy nhiên, thật không may thời điểm thích hợp đó thường là vào mùa đông, khi mà nhiệt độ nước rơi vào khoảng 0-5 độ C. Nước lạnh đến nỗi người ta phải bôi một lớp Vaseline lên mặt để bảo vệ họ trong thời tiết khắc nghiệt. Và mặc dù sóng ở đây thay đổi thất thường hơn ở ngoài biển vẫn không thể ngăn cản những người dũng cảm muốn chinh phục hồ nước này.
Đúng như tên gọi, nước trong hồ luôn đạt gần 100 độ C.
Hồ nước sôi (Boilling Lake) nằm trong vườn quốc gia Morne Trois Pitons ở đảo quốc Dominica. Đây là điểm thu hút khách du lịch lớn nhất ở đảo quốc thuộc quần đảo Carribean này. Boiling Lake được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1870 bởi 2 người Anh đang làm việc tại Dominica. Nằm ở độ cao 762m so với mực nước biển, hồ rộng chừng 60 m và độ sâu xấp xỉ 95m. Nhiệt độ đo được ở bờ hồ từ 82 độ C tới 95 độ C. Không có con đường nào dẫn thẳng đến Boiling Lake, thay vào đó bạn sẽ phải vượt 13km qua những con suối lưu huỳnh, những hẻm núi, thung lũng, trèo đèo và thậm chí cả bơi. Đây thực sự là một hành trình đầy gian nan nhưng rất thú vị dành cho những người ưa mạo hiểm và thích khám phá.
Một số người mạo hiểm vượt qua hồ nước sôi bằng cách đu dây.
Hồ Baikal-Nga
Ảnh chụp vệ tinh bề mặt hồ Baikal khi băng tan.
Hồ Baikal vốn được biết đến là hồ nước ngọt sâu nhất và lâu đời nhất thế giới. Sau một mùa đông lạnh giá, lớp băng trên mặt hồ tan chảy, đó cũng là lúc xuất hiện hiện tượng lạ ở đây. Theo giải thích của khoa học, một lượng lớn khí Metal tích tụ sẽ khiến băng trên hồ tan chảy và tạo thành những vòng tròn hoàn hảo trên mặt hồ. Những vòn tròn có kích thước rất lớn với đường kính có lúc lên tới 2 dặm và chỉ có thể nhìn thấy một cách rõ ràng khi được chụp lại từ không gian.
Hồ núi lửa Taal- Philippines.
Hồ núi lửa Taal là kỳ tích độc đáo của thiên nhiên
Hồ Taal nằm cách thủ đô Manila khoảng chừng hơn 50km – là một trong những núi lửa đang còn hoạt động, Taal nằm gọn trong lòng hồ Taal nên mang tên của hồ, núi trong hồ và hồ trên núi. Nguyên là ngọn núi lửa ra đời cách đây vài triệu năm, Taal được xem là núi lửa thấp và nhỏ nhất thế giới. Do sự tích tụ của nước mưa mà trong miệng núi lửa đã hình thành cụm hồ Taal có tổng diện tích khoảng 300km² với chiều rộng 15km, dài 25km, trong đó hồ miệng núi lửa chính Volcano có đường kính đến 1,9km. Điều khiến quần thể Taal trở thành kỳ tích độc đáo của thiên nhiên chính là trong núi có núi, trong hồ có hồ theo cấu trúc ở ngoài cùng là núi lửa Taal, miệng núi lửa Taal chứa nước mưa tạo thành hồ Taal, hòn đảo Volcano ở giữa hồ Taal đến lượt mình cũng là một núi lửa có hồ nước trên đỉnh, và ngay giữa hồ nước này là điểm phun lửa còn âm ỉ hoạt động.
Hồ muối đỏ Laguna Colorada- Bolivia
Hồ Laguna Colorada nổi tiếng với màu nước đỏ đặc trưng
Hồ muối đỏ Laguna Colorada tọa lạc tại miền Tây Nam Potosi, Bolivia, gần đường biên giới Chile. Với chiều dài 10.7 km, rộng 9.6 km, độ sâu trung bình là 35 cm, độ sâu nhất là 1.5 m, có thể nói Laguna Colorada là hồ nước muối nhỏ hẹp và khá cạn. Sở dĩ Laguna Colorada được gọi là hồ muối đỏ vì nhìn từ xa, mặt nước hồ có màu đỏ do lớp trầm tích lắng đọng tạo nên và xung quanh khu vực này là sự hiện diện của những đảo muối borac trắng xóa. Sự kết hợp hoàn hảo giữa sắc đỏ và trắng nổi bật đã trở thành những yếu tố tạo nên vẻ đẹp kỳ lạ và thu hút đông đảo du khách quốc tế đến tham quan hồ muối đỏ Laguna Colorada hàng năm. Đặc biệt nơi đây cũng được coi là sứ sở của loài chim hồng hạc nổi tiếng và hơn 50 loài chim khác nữa. Du khách có thể chiêm ngưỡng những loài chim đáng yêu này bay bay lượn trên mặt hồ, góp phần tạo cho hồ muối đỏ Laguna Colorada cảnh sắc sống động.
Hồ Laguna Colorada là nơi cư trú ưa thích của loài chim hồng hạc.
Hồ nhựa đường- Cộng hòa Trinidad và Tobago
Hồ nhựa đường kỳ lạ ở nước CH Trinidad và Tobago
Tại Trinidad có một hồ đặc biệt, trong hồ không có nhiều nước, nhưng lại tích đọng rất nhiều nhựa đường nên được gọi là hồ nhựa đường (Pitch Lake). Diện tích mặt hồ chỉ 0,44km2, nhưng sâu 90m. Lượng nhựa đường trong hồ tới 12 triệu tấn, là mỏ nhựa đường lớn nhất thế giới. Điều đáng chú ý là, trong quá trình khai thác, người ta vẫn thường tìm thấy các hóa thạch chim và thú thời tiền sử, và những di vật, vũ khí của người Indian cổ xưa. Do đó, hồ nhựa đường còn được gọi là Viện bảo tàng lịch sử tự nhiên.
Hồ được coi là mỏ nhựa đường lớn nhất thế giới.
Bài viêt cùng danh mục:
- 0 Bình luận