Bài viết

Doanh nghiệp Việt có tầm nhìn ngắn và hay thỏa hiệp

 

Doanh nghiệp Việt có tầm nhìn ngắn và hay thỏa hiệp

 

Tầm nhìn ngắn và tư duy theo số đông là nguyên nhân thất bại của nhiều doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp cứ thấy ngành nào “ăn” là đâm bổ vào. Họ chỉ mong “thu hoạch” ngay trong vòng 1-2 năm mà quên đi những rủi ro và các giá trị dài hạn như thương hiệu, uy tín, niềm tin của khách hàng.

 

Cách đây khá lâu khi còn ngồi ghế nhà trường, trong một cuộc tọa đàm giao lưu với những lãnh đạo tiêu biểu, tôi có hỏi một lãnh đạo người Mỹ của một tập đoàn bán lẻ hàng đầu ờ nước này: “Ông có thể giải thích vì sao trong đội ngũ lãnh đạo tập đoàn của ông không có ai là người châu Á không?”.

Câu hỏi “nhạy cảm” của tôi nhận được một câu trả lời không thể thẳng thắn hơn: “Chào bạn, có hai yếu tố tạo xung đột tính cách và văn hóa làm tôi khó hợp tác với những người đến từ thị trường mới nổi: thứ nhất, tầm nhìnngắn hạn (short-term oriented), thứ hai – thỏa hiệp với số đông (groupthink)”.

Ông ta đã giải thích nhiều lần rằng đó là cảm nhận cá nhân, và hoàn toàn không có chút ý niệm nào về kỳ thị hay phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, câu trả lời làm tôi cảm thấy bị đả kích, xúc phạm và tổn thương tinh thần dân tộc mạnh mẽ… tôi hậm hực và cảm thấy “phán xét” của người này là không công bằng.

Thế nhưng, trớ trêu thay, qua hơn chục năm nay quan sát và trải nghiệm những sóng gió trên thương trường, mỗi ngày tôi càng hiểu ra “thâm ý” của câu nói trên. Nó càng làm tôi thấm thía đến tận xương tủy, ám ảnh và thầm cảm ơn vì ông là một “bác sỹ” chẩn đoán tài ba cho những căn bệnh phổ biến nhất của những người quanh tôi.

1. Bệnh thứ nhất: tầm nhìn ngắn hạn

Tôi còn nhớ ở Sài Gòn một thời rộ lên phong trào mở nhà sách, quán bida, rồi karaoke, đến gần đây là yến sào v.v… cứ đi vài bước là thấy một cửa hàng. Nhưng một khi ồ ạt mở ra thì sẽ bão hòa và rất nhiều cửa hàng phải đóng cửa vì thua lỗ.

Không phải chỉ thành thị, ở nông thôn cũng thế, năm nay cà phê thắng thì đua nhau trồng cà phê, năm sau tiêu-điều lên thì đốn cà phê mà trồng tiêu-điều. Dạo gần đây cao su “lên hương” thì đi đâu cũng thấy trồng cao su, rồi đến phong trào đào ao nuôi cá nuôi tôm v.v… hệ quả là nông dân mất mùa khóc, được mùa cũng khóc (vì bị thương lái ép giá).

Cái tính “thấy người ta ăn nhộng bốc dòi mà ăn” chả phải chỉ ở những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, ngay cả các tập đoàn lớn hùng mạnh. Các doanh nhân dày dạn kinh nghiệm và được đào tạo bài bản cũng không ngoại lệ. Ngành nào “ăn” là đâm bổ vào, họ chỉ mong “thu hoạch” ngay trong vòng 1-2 năm mà quên đi những rủi ro và các giá trị dài hạn như thương hiệu, uy tín, niềm tin của khách hàng.

Cứ như thế từ trào lưu mở ngân hàng, đến công ty chứng khoán, sàn vàng, rồi bất động sản… hệ lụy của căn bệnh này ai cũng thấy ngày hôm nay, ngày càng trầm trọng!

Ngắn hạn về tầm nhìn không chỉ là cái “bệnh” của dân làm ăn, rất nhiều người được dán cái mác “lo xa” suốt đời ki cóp dành dụm để “về già có của giắt lưng”.

Đây không phải là tầm nhìn xa trông rộng, mà thực chất là sự thiển cận, vì họ nhìn tương lai không qua được cái mái nhà mình. Tiền để một chỗ thì làm sao sinh ra tiền? Và ai bảo tiền để một chỗ thì không rủi ro?

Tầm nhìn ngắn hạn cũng chính là nguyên nhân sâu xa của những tệ nạn tham nhũng, quan liêu vì mỗi anh chỉ có nhiệm kỳ vài năm, phải làm sao cho “lại vốn” nhanh trong nhiệm kỳ mới được! Căn bệnh này, có lẽ còn ở tầm cao hơn khi chúng ta liên tục khai thác đến cạn kiệt các tài nguyên thô, không qua chế biến và bán ra nước ngoài.

Một khảo sát của một hãng nghiên cứu thị trường nước ngoài cho thấy, trên 98% doanh nghiệp Việt Nam không đầu tư vào khâu nghiên cứu và phát triển (R&D), đây cũng là minh chứng hùng hồn cho căn bệnh “ăn xổi ở thì” của doanh nghiệp Việt.

2. Bệnh thứ hai: thỏa hiệp với đám đông

Từ nhỏ học trong trường chúng ta phải mặc đồng phục, tóc tai đồng nhất, làm toán phải đúng công thức và cách trình bày của thầy, làm văn phải theo dàn ý và bài mẫu, đã quen với kiểu thầy cố “mớm chữ” cho mà nhai.

Cái “nếp” từ bé khiến những người có suy nghĩ xuất chúng, khác biệt thường tự động bị đào thải khỏi guồng máy xã hội. Chữ “cá biệt” ở nước ta luôn được hiểu theo nghĩa tiêu cực (??!!). Có thể nhìn lại động lực phát triển khoa học- kinh tế- xã hội trong lịch sử trước nay đều xuất phát từ những con người “cá biệt” sao?

Steve Jobs từng nói: “Tất cả các thiên tài đều là những thằng ngốc, cho đến khi họ tự chứng minh là mình đúng”.

Thỏa hiệp với đám đông là nguồn cội của việc “chọn việc dễ mà làm” (với lý lẽ “vì xung quanh ta họ đều làm vậy”). Dẫn đến việc lựa chọn những mô hình sản xuất kinh doanh dễ kiếm tiền (nhanh) nhất, hệ quả là mất cân đối về cơ cấu kinh tế, tập trung quá nhiều vào các ngành sản xuất cơ bản như sắt thép-xi măng-khoáng sản v.v…

Để rồi hoàn toàn không chú trọng các ngành công nghiệp dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Những ngành “dễ làm” như kể trên có tỷ suất sinh lợi trên doanh thu thấp do đó chỉ cần một cái “hắt hơi sổ mũi” của kinh tế vĩ mô là bên bờ vực phá sản ngay.

Sự thỏa hiệp với đám đông không những cản trở sự bứt phá để phát triển, còn nguy hiểm hơn khi nó bào mòn các chuẩn mực về đạo đức xã hội.

Ở trong một cộng đồng mà ai cũng vượt đèn đỏ thì việc vượt đèn đỏ trở thành “bình thường”. Trong một lớp học ai cũng ném phao, quay cóp thì một học sinh sẽ cảm thấy gian lận là “không có gì nghiêm trọng”. Trong một cơ quan mà ai cũng tham nhũng thì người không tham nhũng tiêu cực sẽ là kẻ phải ra đi.

Tôi hiểu chúng ta cũng có rất nhiều doanh nhân xuất chúng với tầm nhìn dài hạn, đầy bản lĩnh và giữ gìn chuẩn mực đạo đức kinh doanh.Ở đây tôi chi muốn nói đến số đông, vì số đông tạo nên dòng chảy.

Đỗ Chí Hiếu

Vnexpress.net

Chia sẻ:

Bài viêt cùng danh mục:

Viết Bình luận