Bữa tiệc 2.000 mâm xôn xao đất Hải Dương
Bữa tiệc 2.000 mâm xôn xao đất Hải Dương
Dân Hải Dương vẫn chưa hết xôn xao về bữa tiệc 2.000 mâm mà phủ Mẫu The đãi khách dịp rằm tháng giêng. Mỗi năm, nơi này có ba bận bày cỗ cả ngàn mâm như thế.
2.000 mâm cỗ tắc cả đường làng
Câu chuyện về Mẫu The làm hàng ngàn mâm cỗ thết khách thập phương trong ngày Rằm tháng Giêng vừa qua vẫn còn xôn xao đầu thôn cuối xóm. Những người lạ đến làng sẽ khó tin câu chuyện đó là sự thực, nhưng không ít người quả quyết: “Nếu nhà anh không tin, thì tuần sau, ngày mở cửa phủ đầu năm, anh xuống mà tận mục!”.
Người dân nơi đây kể, để thiết đãi khách thập phương trong ngày lễ đền Mẫu Rằm tháng Giêng, Mẫu The đã tổ chức 2.000 mâm cỗ, cho gói 800 chiếc bánh chưng… nhưng vẫn không đủ phục vụ. Số người giúp việc cho Mẫu trên 50 người, không phân biệt nam nữ. Mỗi ngày, Mẫu trả công cho mỗi người là 200 nghìn đồng, thêm nhiều lộc như hoa quả, bánh kẹo… Công việc bắt đầu từ ngày 14 tháng Giêng đến ngày 16 tháng Giêng, chủ yếu là làm cỗ, bày cỗ và dọn dẹp. Mâm cỗ bày biện đủ món như xôi, thịt lợn, chả, miến nấu, rau xào… Ngày hôm đó, “mẫu” cho thịt hơn 2 tấn lợn,…
“Mâm nào hết cơm thì ăn bánh chưng, chúng tôi phải nấu nướng từ tối hôm trước đến tận hôm sau, nấu cả đêm chuẩn bị mà hôm sau vẫn còn vội”, một phụ nữ trong đội hình nấu nướng cho biết.
Theo nhiều người dân kể lại, ô tô đỗ dọc đường làng dài cả mấy km, tràn ra cả đường quốc lộ. “Chỉ có chen vào đền thôi, đố mà đi được thảnh thơi vào đền. Chen chúc nhau mà đi, đông lắm”, một người dân ở Vũ Xá cho hay.
Phủ mẫu The nhìn từ xa.
Có mặt ở đền mẫu sau ngày lễ rằm Tháng Giêng, cảnh tượng dọn dẹp, rửa xoong nồi bát đĩa, sân vườn còn ngổn ngang, tấp nập. Các chị em phụ nữ giặt rửa thau chậu, xoong nồi, quét dọn vườn tược, nhặt rác quét lá. Cánh đàn ông khỏe mạnh thì xách nước rửa nền nhà, rửa sân… Mãi đến cuối chiều, công việc mới có phần hoàn tất.
Một tuần sau chúng tôi trở lại đúng ngày mẫu mở phủ đầu năm, vẫn thấy cảnh tượng tấp nập, chen lấn xô bồ như ngày làng mở hội.
Trên khoảng sân rộng của khu chính điện, hàng ngàn con nhang, đệ tử ngồi sắp thành một hàng dài, trên chiếc bạt hay chiếu trải trên mặt sân, người nọ ngồi san sát người kia.
Vì khu điện thờ được “mẫu” tự tay thiết kế nên quy hoạch của phủ Mẫu The có lẽ chẳng giống ai: khu chính điện đối diện với cổng chính vào phủ; bên tay phải, ba khu điện thờ hai tầng sơn son thếp vàng, chạm trổ rồng phượng. Chính cách thiết kế này đã tạo ra những lối vào ngoằn nghoèo trên khoảng sân gạch rộng mênh mông, vốn đã bị những cây cổ thụ trồng trên sân chia cắt.
Dọc theo những lối vào đó, các con nhang, đệ tử theo mẫu The ai cũng mặc áo the, đội khăn xếp đỏ, mỗi người đội một mâm lễ để dâng lễ.
Những người không mặc đồng phục và dâng lễ thì kẻ đứng người ngồi nhấp nhổm trên sân. Một số lượng không ít những người khác thì lê la bên những hàng quán mọc lên ở hai bên ngõ vào. Tiếng mẫu The lanh lảnh vọng ra từ một chiếc loa treo đâu đó. Hôm nay mẫu mở phủ đầu năm nên mẫu trực tiếp điều hành. Một phụ nữ trung niên cho chúng tôi biết.
Cả làng làm dịch vụ
Một khu sân vườn rộng mênh mông đối diện với cổng chính vào phủ có lẽ là khoảng không gian ngoài trời của quần thể phủ mẫu. Hai khu đất này tách biệt nhau bởi con ngõ xóm và cũng là lối đi chung của nhiều hộ dân khác.
Theo lời kể của người dân, khu điện thờ chính của phủ Mẫu The được xây dựng trên đất cũ; khu sân vườn là khu đất mới được mẫu mua lại ruộng từ bà con trong làng, rộng cả ngàn mét. Trên khu đất mới, mẫu cho xây mấy tòa nhà cao tầng kiên cố để làm hội trường, lại cho đào ao, đào ngòi chạy dọc để tạo cảnh quan, hai bên trồng cây xanh và đổ xi-măng, lát gạch làm lối đi.
Những ngày lễ lớn, hàng trăm mâm cỗ tinh tươm đã được bày sẵn ở đây chờ người ăn. Những người lần đầu tham dự đều cho rằng đây là cảnh tượng chưa từng được chứng kiến.
Một anh thanh niên đi lễ bảo: “Ai cũng được ăn. Cỗ này mẫu biện ra để mời khách, không phân biệt ai, mà nếu “phân biệt” cũng không kiểm soát được, vì hàng ngàn người cùng chen chúc như thế…”.
Cỗ mở phủ của mẫu vẫn là cỗ mặn, có gà, xôi, giò… Cỗ được bày thành ba khu, cùng tập trung cạnh chiếc giếng xây hình tròn ở trong tâm khoảng sân vườn này.
Ngày Lễ đền Mẫu làm chộn rộn cái không khí vốn trầm lắng của thôn Vũ Xá. Người người, nhà nhà nảy sinh dịch vụ, từ cái nhỏ nhất như cho thuê khu vệ sinh, đến cái lớn hơn như trông xe, rồi bán vàng hương, đổi tiền lẻ… Tất cả hoạt động bài bản khó tin, người nông dân thuần khiết bỗng chốc biến thành người làm dịch vụ, nhưng là làm dịch vụ 1 ngày.
Theo ghi nhận chung, phí đi vệ sinh là 2.000 đồng/ lần; phí gửi xe máy 5.000 đồng/ xe; xe con 20.000 đồng /xe; xe du lịch 30.000 đồng/ xe.
Tận dụng cơ hội kiếm tiền có một không hai trong 1 năm nên người dân ở đây, dù biết được những mặt trái nhưng vẫn cố làm. Bà lão già bên cạnh đền Mẫu cho thuê cái khu vệ sinh cứ than thở: “Ôi giời ôi khu vệ sinh cứ gọi là khai nồng nặc, người ta đến đây đông lắm, chen chúc nhau, không có lối mà đi cơ mà. Tôi cứ phải ra giội nước, dọn dẹp cả ngày hôm sau mới hết”. Khi được hỏi bà có kiếm được nhiều tiền không thì bà cười: “Cũng được vài triệu/ngày”!
Theo Thiên Bình
VietNamnet
Bài viêt cùng danh mục:
- 0 Bình luận