10 thay đổi từ cuộc khủng hoảng Ukraine
Cuộc khủng hoảng Ukraine không chỉ đấy quan hệ giữa Nga và phương Tây lún sâu vào khủng hoảng, mà còn gây ra những hệ lụy không nhỏ và tạo ra những thay đổi lớn trên chính trường quốc tế.
Sẽ là hơi quá nếu nói cuộc khủng hoảng Ukraine đang vẽ lại bàn đồ thế giới, song rõ ràng thế giới đang có rất nhiều thay đổi sau cuộc khủng hoảng này.
Vai trò của Nga thay đổi
Sau quyết định sáp nhập Crimea, nước Nga đã vượt lên dẫn đầu trong cuộc đọ sức với phương Tây. Uy tín của Tổng thống Vladimir Putin nổi như cồn cả ở trong và ngoài nước. Lo sợ không ít, thán phục càng nhiều.
Tuy nhiên, trong thời gian trước mắt, các quan hệ quốc tế của Nga sẽ bị gián đoạn tạm thời do đã bị loại ra khỏi Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G8). Nỗ lực gia nhập Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cùng Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cũng bị đóng băng. Không chỉ thế, các cuộc họp thượng đỉnh của phương Tây với Nga cũng bị hoãn vô thời hạn.
Trong khi đó, nỗ lực của Tổng thống Putin nhằm sử dụng nhóm các nước đang nổi BRICS để giảm bớt sự cô lập của phương Tây không đạt được kết quả do Trung Quốc và Ấn Độ lo ngại quyết định sáp nhập Crimea sẽ tạo tiền lệ cho Tây Tạng và Kashmir.
NATO hồi sinh
Ngay khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắt đầu mất dần ảnh hưởng do sứ mệnh của tổ chức này ở Afghanistan đang khép lại, thì cuộc khủng hoảng Ukraine đã tạo cớ tốt cho liên minh quân sự lại tái nổi lên.
Hiện tại, NATO đang tăng cường các máy bay tuần tra và các cuộc tập trận ở Ba Lan cũng như các nước vùng Baltic. Việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) ở Trung Âu cũng đang được xúc tiến dưới sự thúc ép của Wasaw.
Trong khi đó, dưới sức ép của Mỹ, một số quốc gia châu Âu sẽ cân nhắc việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng. Các nước trung lập như Thụy Điển và Phần Lan cũng tính toán phương án tăng cường an ninh và hợp tác chặt chẽ hơn với NATO
Đa dạng hóa nguồn năng lượng
Bản đồ năng lượng châu Âu đang được vẽ lại với việc các nước tăng cường nỗ lực giảm bớt phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga.
Theo kế hoạch, các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ xây dựng thêm các trạm khí đốt hóa lỏng, nâng cấp mạng lưới và hệ thống đường ống, đồng thời mở rộng nguồn cung khí đốt phương Nam thông qua Gruzia và Thổ Nhĩ Kỳ để vận chuyển khí đốt đến Nam Âu và Trung Âu.
Châu Âu cũng đang tính thêm phương án khai thác nguồn trữ khí đá phiến sét và phát triển năng lượng hạt nhân, bất chấp các quan ngại về vấn đề môi trường.
Theo thống kê, dầu mỏ và khí đốt của Nga chiếm 1/3 tổng lượng tiêu thụ của EU. 40% trong số này được trung chuyển qua Ukraine. Không loại trừ khả năng giá hai mặt hàng thiết yếu này có thể sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Trung Quốc hưởng lợi
Liên minh ngoại giao giữa Nga và Trung Quốc, hai nước thường bỏ phiếu giống nhau ở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, sẽ thay đổi theo một trong hai hướng:
Thứ nhất, hai bên sẽ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về năng lượng thông qua việc gấp rút hoàn thiện các đường ống dẫn mới để bơm dầu và khí đốt sang Bắc Kinh. Đây là hệ quả tất yếu do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đem lại. Với Nga, phương án này sẽ giúp giảm bớt thiệt hại kinh tế do phải tạm thời ngừng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu. Còn với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ có cơ hội được mua dầu và khí đốt giá rẻ của Nga trong bối cảnh bài toán an ninh năng lượng đang có nhiều thách thức.
Thứ hai, quan hệ Nga – Trung có thể sẽ không hoàn toàn nồng ấm do những lo ngại của Bắc Kinh trong việc “nhập khẩu” vấn đề Crimea vào Tây Tạng, Hồng Kông hay thậm chí cả Đài Loan. Hơn nữa, là một người thực dụng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không muốn làm mất lòng Mỹ và châu Âu khi tỏ ra quá thân thiết với một nước Nga có nguy cơ suy yếu về kinh tế và cô lập về chính trị. Tuy nhiên, cho dù có thực sự suy nghĩ như vậy thì bề ngoài ông Tập Cận Bình vẫn không tỏ ra hoàn toàn quay lưng với Mátxcơva nhằm tránh tự đẩy mình vào thế kẹt trong quan hệ Đông – Tây.
Mỹ khôi phục vai trò lãnh đạo hàng đầu
Vai trò lãnh đạo toàn cầu của Washington - vốn bị suy giảm bởi sự trỗi dậy của các cường quốc mới nổi và việc cắt giảm mạnh ngân sách liên bang dưới thời Tổng thống Barack Obama - đang dần được khôi phục. Khác với cuộc chiến tại Libya hay Syria có thể giao phó vai trò cầm đầu cho châu Âu, cuộc khủng hoảng Ukraine buộc Mỹ phải quay lại cầm trịch do “đối thủ” ở bên kia chiến tuyến thực sự đáng gờm.
Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng Ukraine cũng vô tình giúp gạt sang một bên sự tức giận của EU về hành động do thám toàn cầu của Mỹ và giúp hai bên đẩy mạnh tăng cường hợp tác sau một thời gian tương đối lạnh nhạt do Mỹ chú tâm thực thi chính sách xoay trục an ninh sang châu Á – Thái Bình Dương. Một số nhà quan sát còn nhận định, sau cuộc khủng hoảng Ukraine, có thể Mỹ sẽ phải tìm lại điểm cân bằng mới trong chính sách an ninh toàn cầu với việc vừa chú trọng châu Á nhưng không cũng bỏ quên châu Âu nhằm ngăn chặn các vụ tương tự Crimea có thể xảy ra ở cả hai khu vực.
< Vai trò dẫn dắt của Đức ở châu Âu
Cuộc khủng hoảng Ukraine không chỉ giúp củng cố vai trò lãnh đạo của Đức ở châu Âu mà còn giúp nước này trở thành cầu nối trung gian trong cuộc tranh cãi giữa Nga và phương Tây.
Hiện Đức là một cường quốc kinh tế có nhiều ảnh hưởng, là nước đi đầu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng đồng euro. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng trở thành người đối thoại chính của châu Âu với ông Putin. Do đó, việc Đức sẵn sàng cắt giảm mức độ phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga sẽ là thước đo xem các nước còn lại của EU sẽ thoát khỏi sự phụ thuộc này như thế nào.
Bên cạnh đó, bà Merkel còn đóng vai trò chủ đạo trong quan hệ với nhân vật có thể ra tranh cử Tổng thống Ukraine Yulia Tymoshenko.
EU củng cố tinh thần đoàn kết
EU đang khá đoàn kết, ít nhất trong thời điểm hiện nay do phải lo đối phó với “mối đe dọa chung” từ bên ngoài. Điều này có thể giúp các nhà lãnh đạo EU vượt qua các tranh cãi kéo dài.
Nghị sĩ Rebecca Harms thuộc đảng Xanh trong Nghị viện châu Âu đã nói rằng: "Đứng trước mối đe dọa về một cuộc chiến mới ở châu Âu, các nước EU phải nhất trí về một chiến lược chung để đối phó với Nga".
Cạnh tranh gia tăng tại Trung Á
Cả Tổng thống Putin và phương Tây đều đang ra sức "ve vãn" các nhà lãnh đạo ở Trung Á, nhất là các nước giàu tài nguyên như Azerbaijan, Kazakhstan, Turkmenistan và Uzbekistan.
Với Nga, đây là yếu tố sống còn trong việc bảo vệ vành đai ảnh hưởng trong không gian hậu Xô Viết. Còn với phương Tây, việc lôi kéo các nước Trung Á nhằm hai mục đích: vừa thực hiện chiến lược thọc sườn Nga, vừa giải quyết bài toán thiếu hụt năng lượng do ngừng nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Mátxcơva.
Hợp tác Nga-Mỹ xuống đáy kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Mặc dù một số lĩnh vực quan hệ hợp tác giữa hai nước vẫn sẽ được tiếp tục xuất phát từ nhu cầu từ cả hai phía, song những căng thẳng vẫn chiếm thế chủ đạo. Các vấn đề cần hợp tác như Syria, Iran, Afghanistan hay Triều Tiên tạm thời bị gạt sang một bên do Nga và Mỹ sẽ chưa thể ngồi cùng bàn với nhau.
Trong cuộc đối đầu này, Mỹ đã chuẩn bị sẵn cho mình các phương án cần thiết khi phải tạm “nghỉ chơi” với Nga. Ngược lại, Nga cũng đang nắm trong tay "những đòn bẩy" có thể được sử dụng để chơi lại nước Mỹ, chẳng hạn như các hợp đồng cung cấp tên lửa phòng không S-300 cho Damascus hay Tehran, hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa tối tân S-400 cho Trung Quốc.
Tương lai chính trị của Tổng thống Putin
Uy tín của nhà lãnh đạo Nga đang gần ở mức đỉnh điểm, bởi ông đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc qua hành động sáp nhập Crimea.
Tuy nhiên, bất ổn cũng có thể gia tăng khi ông Putin phải chịu sức ép từ các ông trùm tư bản, những người bị giảm sút thu nhập do đầu tư nước ngoài vào Nga giảm mạnh và phải đối mặt với lệnh phong tỏa tài sản cùng việc hạn chế đi lại của phương Tây.
Đức Vũ
Bài viêt cùng danh mục:
- 0 Bình luận